Giống chè mới của Nomafsi
Thứ hai, 20/04/2015, 11:43 GMT+7
Qua nhập nội, lai tạo, mấy năm gần đây, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã tạo được một số giống chè mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. NNVN xin giới thiệu một số giống chè mới của NOMAFSI.
1. Giống chè TBKT Kim Tuyên
Tên khác: Kim Huyên, A17 hoặc dòng 27.
Nguồn gốc:
Giống vô tính của Đài Loan, được chọn lọc từ tổ hợp lai hữu tính giữa mẹ là giống Ôlong lá to của địa phương và bố là giống Raiburi của Ấn Độ vào năm 1975. Nhập nội vào Việt Nam từ 1994. Trồng ở các tỉnh Lâm Đồng, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn.
Năm 2003, được Hội đồng khoa học Bộ NN-PTNT thông qua giống tạm thời cho SX thử nghiệm tại các tỉnh Lâm Đồng, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn.Năm 2008, được Hội đồng khoa học Bộ NN-PTNT thông qua giống tiến bộ kỹ thuật để SX chè Ôlong, chè xanh cao cấp.
Những đặc tính chủ yếu:
Đặc điểm sinh vật học: Dạng thân bụi, thế cây hơi đứng. Thế lá ngang, kích thước lá nhỏ (dài lá 6,8cm, rộng lá 3,43cm) răng cưa mờ, có 8 đôi gân lá. Màu sắc xanh đậm, trơn bóng, mép lượn sóng, lá non phớt tím. Búp non có tuyết, trọng lượng búp 1 tôm 3 lá: 0,52g. Bật mầm sớm, sức sinh trưởng mạnh, mật độ búp trung bình.
Năng suất: Là giống cho sản lượng khá và ổn định tại Việt Nam. Năng suất trung bình 6 – 8 tấn/ha (Phú Thọ, Lạng Sơn). Năng suất thâm canh đạt 10 – 12 tấn/ha (Lâm Đồng). Xu thế năng suất giống Kim Tuyên ở các tỉnh phía Bắc có năng suất thấp hơn các tỉnh phía Nam và vùng trung du thấp có năng suất thấp hơn vùng núi.
Trong điều kiện thâm canh tăng lượng phân bón hữu cơ và có tưới tiêu cho năng suất khá cao. Khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn các giống Ôlong Thanh Tâm và giống Vân Xương. Trong điều kiện thâm canh và ở vùng cao nguyên giống ít bị sâu bệnh hơn so điều kiện không thâm canh hoặc ở vùng đồi núi thấp.
Chất lượng: Có nội chất tốt, hàm lượng tanin 28,50%, đường khử là 0,59%, chất hòa tan là 39,52%, axít amin là 1,58% và cafein tổng số là 132mg/gck… Chế biến chè xanh và chè Ôlong có chất lượng cao, nhưng thích hợp cho chè Ôlong hơn chè xanh.
Khả năng nhân giống: Phù hợp nhân giống vô tính, dễ giâm cành và có hệ số nhân giống khá cao, cây con sinh trưởng khỏe cả ở vườn ươm và sau trồng, tỷ lệ sống cao.
Khuyến cáo: Giống Kim Tuyên là giống năng suất khá cao, thích hợp quy trình thâm canh. Do mục tiêu SX chè Ôlong nên cần sửa tạo tán để búp ra tập trung và non lâu từ 40 – 45 ngày tuổi. Kỹ thuật hái bằng tay kết hợp sửa tán sau hái bằng máy của Nhật Bản. Tăng cường bón phân hữu cơ hoặc khô dầu.Khả năng thích ứng vùng có khí hậu mát ẩm, đất tốt. Vùng trồng thích hợp nhất là những vùng có điều kiện thâm canh cao như các tỉnh Lâm Đồng, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn.
2. Giống chè Phúc vân tiên
Nguồn gốc:
Giống vô tính của Trung Quốc, chọn lọc từ tổ hợp lai hữu tính giữa mẹ là giống chè Phúc Đỉnh Đại Bạch Trà và bố là giống chè Vân Nam lá to từ 1957-1971 bởi Viện Nghiên cứu chè tỉnh Phúc Kiến. Nhập nội vào Việt Nam năm 2000 và trồng ở các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh và Lâm Đồng.
Năm 2003, được Hội đồng khoa học Bộ NN-PTNT thông qua giống tạm thời cho SX thử nghiệm tại các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên và Yên Bái
Năm 2009, được Hội đồng khoa học Bộ NN-PTNT thông qua giống TBKT để SX chè xanh và chè đen cao cấp.
Những đặc tính chủ yếu:
Đặc điểm sinh vật học: Dạng thân gỗ nhỡ, thế cây hơi đứng, tán nhỏ. Cây cao ở điều kiện sinh trưởng tự nhiên có thể vươn cao tới 4-5 m. Vị trí phân cành trên thân chính cao hơn. Thế là nằm ngang hoặc rủ xuống, lá thuôn dài hoặc gần như thuôn dài. Dài 11,9-13,2 cm, rộng 4,3-4,9 cm. Mặt lá hơi lồi lõm. Đầu lá nhọn. Lá màu xanh sáng không bóng, cấu tạo lá dày, có 9-11 đôi gân lá. Mép lá gợn sóng, rưng cưa mép lá nông. Khả năng bật búp mạnh. Búp mập màu xanh vàng sáng, có phủ lông tuyết. Trọng lượng 1 tôm 3 lá là 0,69g. Thời kỳ ra hoa rộ xuất hiện vào đầu tháng 11. Có rất nhiều hoa tỷ lệ đậu quả cao.
Năng suất: Là giống cho sản lượng khá cao tại Việt Nam. Năng suất trung bình 7-8 tấn/ha (Phú Thọ, Yên Bái). Năng suất thâm canh đạt 10-12 tấn/ha (Thái Nguyên). Giống Phúc Vân Tiên (PVT) sinh trưởng tốt ở tất cả các vùng SX thử. Chè tuổi 5 có năng suất bình quân 7,8 tấn/ha, trong đó Phú Thọ có năng suất cao nhất. Giống PVT có mật độ búp thưa hơn và năng suất thấp hơn 20% so với giống đối chứng (LDP1), nhưng cao hơn 22% so năng suất chè bình quân cả nước hiện nay. Do đó, với năng suất này ở các vùng SX thử kết luận giống PVT đảm bảo được yêu cầu SX.
Chất lượng: Có nội chất tốt, hàm lượng tanin 29,48%, chất hòa tan 40,68%, đường khử 2,40%, axit amin tổng số 2,40%, cathechin tổng số là 132 mg/gok… Chế biến chè đen và chè xanh tốt. Sản phẩm chè đen có ngoại hình xoăn chặt, đẹp có phủ tuyết, nước màu đỏ hồng tươi sáng, vị tốt. Chế biến chè xanh có hương thơm mạnh, vị tốt, màu nước có màu vàng rượu và bã màu xanh sáng.
Khả năng nhân giống: Phù hợp nhân giống vô tính, dễ giâm cành và có hệ số nhân giống khá cao, cây con sinh trưởng khỏe cả ở vườn ươm và sau trồng, tỷ lệ sống cao.
Những yêu cầu kỹ thuật và khuyến cáo chủ yếu trong SX: Giống Phúc Vân Tiên là giống năng suất khá cao, thích hợp quy trình thâm canh. Do đặc điểm thân cao, tán hẹp nên cần phải trồng dày 1,8-2,2 vạn cây/ha và đốn tạo hình 3-4 lần trong 2-3 năm đầu sau trồng. Cần phải hái nhẹ và tăng cường chừa lại trên tán, có hể sử dụng máy hái hoặc sửa lại tán. Thích hợp trồng ở những vùng đồi núi cao, đất tốt như Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, những vùng đất tốt để SX chè xanh.
3. Giống chè PH8
Nguồn gốc:
Giống vô tính của Việt Nam, chọn lọc từ tổ hợp lai hữu tính giữa giống chè TR1-777 và giống chè Kim Tuyên. Năm 1998, tiến hành lai hữu tính giữa cặp lai có mẹ là giống chè TR1-777 (giống chè shan chế biến chè xanh chất lượng cao của Srilanca được nhập nội vào Phú Hộ năm 1977) và bố là giống chè Kim Tuyên (giống chè TBKT nổi tiếng chế biến chè olong chất lượng cao). Năm 2009 được Hội đồng khoa học Bộ NN-PTNT thông qua giống tạm thời cho SX thử nghiệm tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Sơn La.
Những đặc tính chủ yếu:
Đặc điểm sinh vật học: Thân gỗ nhỡ, phân cành thấp, số cành nhiều. Lá dày màu xanh đậm, bóng, mép lượn sóng, răng cưa nông đều, thế lá nằm ngang, lá hình trứng, chiều dài lá 8,56 cm, rộng 4,0 cm, có 7-9 đôi gân lá. Cây sinh trưởng khỏe, bật mầm sớm, búp nhiều tuyết, trọng lượng búp 1 tôm 3 lá 0,95 g/búp.
Năng suất: Sớm cho năng suất cao (tuổi 2 đã cho năng suất 3,68 tấn/ha đến tuổi 8 đạt tới 17,24 tấn/ha), chịu thâm canh.
Chất lượng: Nội chất tốt, hàm lượng tanin 31,36%, đường khử 2,00%, Cattechin t/S 161,15 mg/g CK, chất hòa tan 43,60%, axitamin 2,40%. Nguyên liệu búp có chất lượng tốt chế biến chè xanh đạt loại khá, tốt, điểm thử nếm đạt 16,27-18,78 điểm, có hương thơm đặc trưng lộ rõ vị hoàn hảo, màu nước xanh vàng sánh và bã màu xanh sáng. Có thể sử dụng chế biến chè cao cấp như chè olong.
Khả năng nhân giống: Phù hợp nhân giống vô tính, dễ giâm cành và có hệ số nhân giống khá cao, cây con sinh trưởng khỏe cả ở vườn ươm và sau trồng, tỷ lệ sống cao.
Những yêu cầu kỹ thuật và khuyến cáo chủ yếu trong SX:
Giống PH8 có yêu cầu kỹ thuật cần trồng dày, có thể trồng hàng kép, mật độ 2,0-2,2 vạn/ha và tiến hành đốn tạo hình sớm, sau 1 năm tuổi nên tiến hành đốn tạo hình lần 1 và tiếp tục đốn tạo hình vào tuổi 2-3. Cần phải hái nhẹ và tăng cường tỷ lệ lá chừa lại trên tán. Hướng sử dụng sản phẩm chính là chế biến chè xanh chất lượng cao và chè olong. Có thể áp dụng sửa tán và hái búp bằng máy hái Nhật Bản.Khả năng thích ứng trồng ở các vùng trồng chè phía Bắc nước ta, khả năng thích ứng rộng chịu hạn và giá lạnh. Khả năng chống chịu sâu bệnh khá (bị hại bởi rầy xanh, bọ xít muỗi, cánh tơ ít, bị hại bởi nhện đỏ ở mức độ trung bình), đặc biệt giống bố Kim Tuyên và mẹ TR1-777 bị rệp phảy phá hại nặng song giống PH8 hiện nay hầu như chưa xuất hiện.
Đang hoàn thiện quy trình nhân giống và trồng mới tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Sơn La.
4. Giống chè PH9
Nguồn gốc:
Giống vô tính của Việt Nam, chọn lọc từ tổ hợp lai hữu tính giữa giống chè TRI-777 và giống chè Kim Tuyên.
Năm 1998, tiến hành lai hữu tính giữa cặp lai có mẹ là giống chè TRI-777 (giống chè shan chế biến chè xanh chất lượng cao của Srilanca được nhập nội vào Phú Hộ năm 1977) và bố là giống chè Kim Tuyên (giống chè TBKT nổi tiếng chế biến chè olong chất lượng cao).
Năm 2009 được Hội đồng khoa học Bộ NN-PTNT thông qua giống tạm thời cho SX thử nghiệm tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Sơn La.Những đặc tính chủ yếu:
Đặc điểm sinh vật học: Thân gỗ nhỡ, phân cành thấp, số cành các cấp nhiều. Lá dày màu xanh đậm, bóng, mép lượn sóng, răng cưa nông đều, thế lá nằm ngang, lá hình trứng, dài lá 9,38cm, rộng 4,85cm, có 7 – 9 đôi gân lá. Cây sinh trưởng khỏe, bật mầm sớm, búp có tuyết trung bình, trọng lượng búp 1 tôm 3 lá 1,20g/búp.
Năng suất: Sớm cho năng suất cao, tuổi 2 đã cho năng suất 2,88 tấn/ha đến tuổi 8 đạt tới 15,80 tấn/ha, chịu thâm canh.
Chất lượng: Có nội chất tốt, hàm lượng tanin của giống PH9 đạt 30,54%, đường khử 2,74%, Catechin T/S 159,95 mg/gCK, chất hòa tan 44,39%, axítamin 1,79%. Nguyên liệu búp có chất lượng tốt chế biến chè xanh đạt loại khá, điểm thử nếm đạt 16,60 - 17,12, hương thơm đặc trưng, màu nước xanh vàng sánh và bã màu xanh sáng.
Khả năng nhân giống: Phù hợp nhân giống vô tính, dễ giâm cành và có hệ số nhân giống khá cao, cây con sinh trưởng khỏe cả ở vườn ươm và sau trồng, tỷ lệ sống cao.
Những yêu cầu kỹ thuật và khuyến cáo chủ yếu trong SX:
Giống PH9 có yêu cầu cần trồng dày có thể trồng hàng kép, mật độ 2,0 – 2,2 vạn/ha và tiến hành đốn tạo hình sớm, sau 1 năm tuổi nên tiến hành đốn tạo hình lần 1 và tiếp tục đốn tạo hình vào tuổi 2-3. Cần phải hái nhẹ và tăng cường tỷ lệ lá chừa lại trên tán. Hướng sử dụng sản phẩm chính là chế biến chè xanh chất lượng cao và chè olong. Có thể áp dụng sửa tán và hái búp bằng máy hái Nhật Bản.
Khả năng thích ứng trồng ở các vùng trồng chè phía Bắc nước ta, khả năng chịu hạn và giá lạnh tốt. Khả năng chống chịu sâu bệnh khá (bị hại bởi rầy xanh, bọ xít muỗi, cánh tơ, nhện đỏ ở mức độ ít), rệp phảy hầu như chưa thấy xuất hiện.
Các tin khác :
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 triển khai nhiệm vụ năm 2024 (19/01/2024)
- Đánh giá hiệu quả mô hình phục tráng giống lúa Séng cù Bát Xát (14/10/2022)
- Tổng kết dự án ACIAR “Cải thiện các hệ thống canh tác có ngô trên đất dốc tại Việt Nam và Lào” (10/10/2022)
- Hội thảo giới thiệu giống, tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật (20/09/2022)
- Hội nghị tổng kết công tác 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 (13/01/2022)
- Dùng công nghệ nhận diện chất quý trong chè Shan (09/11/2021)
- Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND tỉnh Lào Cai thăm vào làm việc tại Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (21/06/2021)
- Học bổng ThS chương trình tiên tiến quốc tế DAAD-TUAF (07/12/2020)
- PhD and Msc John Allwright scholarship is now open for ACIAR partners (04/02/2020)
- Học bổng chính phủ AUSTRALIA vỏng tuyển chọn 2021 nhận hồ sơ đăng ký (19/02/2021)