Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Hôm nay:
  • Tháng hiện tại:
  • Tổng truy cập:

Sơn La thực hiện mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị

Thứ hai, 05/09/2022, 16:34 GMT+7

Sơn La thực hiện mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị

Sơn La thực hiện mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị

Các tỉnh Tây Nguyên và Sơn La có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, đất đai rộng lớn, màu mỡ. Những năm qua bên cạnh những thành công về diện tích và sản lượng cây cà phê, một số mô hình canh tác có hiệu quả… Tuy nhiên vẫn còn nhiều những tồn tại, hạn chế như: Do tập quán sản xuất lạm dụng phân bón và thuốc BVTV , dẫn đến hạt cà phê xuất khẩu trong mấy năm qua đã bị một số đối tác nước ngoài trả hàng về do tồn dư hóa chất, đặc biệt là chất carbendazim, đã làm tổn hại đến uy tín của thương hiệu hạt cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Từ đó, ngành hàng hạt cà phê Việt Nam đang đứng trước những khó khăn về xuất khẩu. Với mục tiêu áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh cà phê theo hướng hữu cơ; liên kết theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tăng thu nhập cho người sản xuất. Ổn định thị trường, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê tại địa phương, năm 2021, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị”. 

 4

Dự án được triển khai tại 4 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và  Sơn La trên cây cà phê chè và cà phê vối. Tại tỉnh Sơn La mô hình sản xuất  cà phê theo hướng hữu cơ trên cây cà phê chè được triển khai tại xã Chiềng Ban huyện Mai Sơn, xã Hua La thành phố Sơn La tỉnh Sơn La với quy mô 10 ha/10 hộ tham gia. Tham gia mô hình các hộ dân được hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo định kỳ. Kết quả sau hơn một năm triển khai vườn cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, lá có màu xanh đậm, phiến lá dày, chất lượng quả cà phê được đánh giá cao hơn cà phê truyền thống, giá mua cao hơn so với các năm trước. Tại Chiềng Ban, cà phê hữu cơ góp phần tăng giá trị kinh tế là 11% so với đối chứng, tại Hua La là 8%. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên diện tích cà phê kinh doanh được áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, vật chất khô tích lũy được năm 2021 sẽ là tiền đề quan trọng để cây tiếp tục cho năng suất, chất lượng cũng như mang lại hiệu quả kinh tế các năm tiếp theo. Toàn bộ sản phẩm từ mô hình đã được thu mua và chế biến theo hướng cà phê sạch, Công ty Deteck thu mua 70% sản lượng, còn lại là các hộ đã chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. 

 3

Hộ gia đình ông Tòng Văn Liến xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn có 1 ha cà phê kinh doanh năm thứ 6 tham gia mô hình cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, niên vụ cà phê năm 2021 ông thu được khoảng 2.4 tấn cà phê nhân, với giá bán trung bình là 150.000 đồng/kg, thu nhập 360.000.000 đồng, có được kết quả này, ông cho biết: Được cán bộ dự án hỗ trợ sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ đã góp phần làm thay đổi tư duy nhận thức của người trồng cà phê trong phương thức và cách thức chăm sóc, từ việc chú trọng vào khâu sản xuất đến chế biến tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng cao  được thị trường ưa chuộng.
Gia đình anh Lò Văn Đinh tại bản Nam xã Hua La có 3ha cà phê kinh doanh cho biết, trước đây chị và người dân trên địa bàn xã sản xuất cà phê theo phương thức canh tác truyền thống (bón phân hoá học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  không theo khuyến cáo), dẫn đến đất bạc màu, cà phê phát triển kém, năng suất, chất lượng không như mong muốn, giá thành giảm, ảnh hướng đến môi trường sống và sức khoẻ của người sản xuất.Tuy nhiên, từ ngày tham gia mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, gia đình chị thay đổi nhận thức về chăm sóc cà phê, chuyển đổi từ lối truyền thống sang chăm sóc theo hướng hữu cơ. Sau hơn một năm thực hiện cho thấy mô hình sản xuất cà phê phát triển xanh tốt, đất tơi xốp, năng suất, chất lượng cà phê đạt cao hơn hẳn.
Quá trình  sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ luôn được ưu tiên sử dụng nhất là loại có hàm lượng hữu cơ cao như phân ủ từ vỏ cà phê thành phân hoai mục để bón cho cây, ngoài ra, đối với quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) xử lý bằng biện pháp cơ giới như cắt cành bị bệnh đem tiêu huỷ để giảm nguồn lây bệnh, nếu cây cà phê bị sâu,bệnh vượt ngưỡng gây hại kinh tế thì có thể sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học hoặc có nguồn gốc hữu cơ để phòng trừ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn..

 tap-huan-ca-phe

Mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị được Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc triển khai trong 3 năm 2021- 2023, mô hình có quy mô 10 ha với 10 hộ tham gia. Hộ tham gia mô hình được cấp các loại phân bón hữu cơ vi sinh, lân nung chảy, vôi, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức của Dự án. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện dự án tại Sơn la đã thành lập tổ liên kết tiêu thụ sản phẩm  gồm 40 thành viên đều là dân tộc Thái. Tổ liên kết cũng đã ban hành quy chế hoạt động để làm căn cứ thực hiện và duy trì hoạt động tổ liên kết, đồng thời tổ chức hỗ trợ các hoạt động đào tạo về nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật cho các thành viên ban quản lý và tổ kỹ thuật, đồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt về chuyên môn, kỹ thuật và quản lý...; đánh giá những tồn tại, hạn chế, đề xuất phương án khắc phục...; Tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê chè hữu cơ, thu hút 15 nông hộ tham gia; Tổ chức 02 lớp tập huấn nhân rộng mô hình cho 60 lượt hộ nông dân tại hai huyện Mai Sơn và Thuận Châu, tỉnh Sơn La. 

 2

Trong năm 2022, nhóm thực hiện dự án tiếp tục hỗ trợ nhóm nông hộ thực hiện truy suất nguồn gốc, sản xuất canh tác cà phê theo hướng hữu cơ tại. Quy mô 10ha mô hình tại Sơn La với10 hộ tham gia, ngoài ra dự án sẽ hỗ trợ các hộ túi gai bảo quản nhân cà phê sau khi chế biến để quảng bá sản phẩm. Mã truy suất nguồn gốc được thiết kế ngay trên bao bì dạng QR đơn giản trong việc kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Việc triển khai mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy suất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị sẽ giúp người trồng cà phê theo hướng nông nghiệp tốt tạo kết nối chuỗi giá trị tiêu thụ nông sản bền vững tại địa phương .Ưng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp mang lại những niên vụ bội thu tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng ra thị trường. Đồng thời, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân hướng đến một nền nông nghiệp tốt, nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.
 
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc

Người viết : Hoàng Xuân Thảo