Tham vọng nông nghiệp tỷ đô: Giấc mơ thống lĩnh của Viện trưởng NOMAFSI
Thứ sáu, 30/10/2015, 09:01 GMT+7
Cây ăn quả ở khu vực miền núi phía Bắc được ví như kho báu đang bị phủ lấp bởi những hạn chế về tổ chức sản xuất, quy hoạch phát triển, khoa học kỹ thuật.
Một chiến lược phát triển tập trung của Viện Khoa học nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã được vạch ra. (Báo Nông nghiệp VN)
Hướng đến nền nông nghiệp tinh hoa
PGS.TS Nguyễn Văn Toàn (ảnh), Viện trưởng NOMAFSI cho rằng, thế mạnh cực lớn của vùng miền núi phía Bắc chính là cây ăn quả bản địa, nếu gắn với quá trình tái cơ cấu, áp dụng KHKT, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào chiến lược phát triển thì có nghĩa là chúng ta đang đánh thức một kho báu khổng lồ.
Khu vực miền núi phía Bắc chiếm khoảng 30% diện tích cả nước, khí hậu đặc thù, đồi núi dốc chia cắt nên xuất hiện những tiểu vùng sinh thái đặc trưng đã sản sinh ra những loại cây ăn quả bản địa mang giá trị đặc thù.
Hồng Hạc Trì, hồng Gia Thanh, bưởi Đoan Hùng ở Phú Thọ, quýt bạc, cam sen ở Yên Bái, cam sành Hàm Yên ở Tuyên Quang, na Lạng Sơn, quýt chum, hồng Quản Bạ ở Hà Giang...
Những loại cây ăn quả mà chất lượng đã được minh chứng rõ ràng trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển tự nhiên, một số loại bị giao tạp nên chất lượng không ổn định, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa thể thành vùng hàng hóa tập trung, đưa lại thu nhập lớn cho bà con.
Chính vì thế nên NOMAFSI đã đề ra chiến lược tập trung phát triển cây ăn quả bản địa có giá trị kinh tế thành vùng sản xuất tập trung, vùng hàng hóa gắn với mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
"Chúng tôi từng nhiều lần báo cáo chiến lược này trước lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Bộ NN-PTNT và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao”, PGS.TS Toàn cho biết.
Chiến lược của NOMAFSI bắt đầu bằng việc xác định, phục tráng, chọn lọc, đánh giá cây đầu dòng những loại cây ăn quả bản địa có giá trị kinh tế. Tổ chức nghiên cứu, theo dõi ít nhất 3 năm, sau đó nhân giống vô tính, áp dụng các biện pháp KHKT và giới thiệu đến từng địa phương.
Hiện tại ở Trung tâm rau hoa quả của NOMAFSI đang tập hợp khoảng hơn 200 nguồn gen của các loại giống cây trồng bản địa. Theo đánh giá của các nhà khoa học, ít nhất có từ 1-2 giống cho một địa phương có thể phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
"Với thực tế hiện nay, từ thị trường nội tiêu đến thị trường xuất khẩu vẫn là một tiềm năng lớn. Tôi cho rằng, nếu thực hiện đúng chiến lược phát triển thì cây ăn quả ở MNPB sẽ có vai trò thống lĩnh. Tuyên Quang có cam Hàm Yên rồi thì những loại cam khác khó có thể vào được. Phú Thọ có hồng Hạc Trì, hồng Gia Thanh thì những loại hồng khác không thể cạnh tranh", ông Toàn nhận định.
Những lời nói có phần quá tự tin, nhưng nếu đánh giá kỹ thì hoàn toàn có cơ sở. Ông Toàn dẫn chứng, ngay bản thân thị trường nội địa cây ăn quả Việt Nam hiện nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn còn ngờ vực, phòng tránh rủi ro đối với các loại quả nhập khẩu từ Trung Quốc.
Xưa nay chất lượng cây ăn quả của vùng MNPB là không còn phải bàn cãi nữa. Nói đến những loại cây ăn quả ở khu vực này thì người tiêu dùng hết sức yên tâm, thậm chí là cực kỳ ưa chuộng. Kể cả hoa quả nhập từ Trung Quốc sang phải từ bỏ gốc gác của mình để mượn thương hiệu của hoa quả vùng MNPB.
Từ đào Sa Pa, cam quýt Yên Bái... Mục đích là để đánh lừa người tiêu dùng. Nhưng rõ ràng khi chúng ta thực hiện chiến lược phát triển thành vùng hàng hóa tập trung thì sẽ không còn sân cho hoa quả Trung Quốc.
Ở góc độ kinh tế, chiến lược phát triển cây ăn quả vùng MNPB cũng đã chứng minh rất rõ. Dự án phát triển cây cam ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã có những gia đình thu nhập tiền tỷ.
Hồng Gia Thanh, trước đây chỉ manh mún vài ba héc ta bây giờ phát triển thành vùng hàng hóa hàng trăm héc ta và đang xây dựng chuỗi giá trị. Loại hồng quả to, năng suất cao, chất lượng tốt này mỗi cây có thể cho sản lượng từ 1-1,5 tạ quả. Một héc ta trồng được khoảng 400 cây, theo giá hiện tại, thu nhập chừng 600-700 triệu đồng/ha trở nên bình thường.
Con đường bắt buộc
Trong chiến lược đưa cây ăn quả chiếm lĩnh vị trí số một ở vùng miền núi phía Bắc, NOMAFSI liên kết với các địa phương xác định rõ, đặc trưng từng tiểu vùng chính là thế mạnh rõ ràng nhất. Những loại cây ăn quả "chỉ vùng này mới có" nếu được đầu tư phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao thì hoàn toàn có thể cạnh tranh với bất kỳ loại hoa quả nào khác.
Mỗi loại cây ăn quả hình thành và phát triển trong tiểu vùng đặc thù gần như mặc nhiên sẽ trở thành số một. Chẳng hạn như na Chi Lăng (Lạng Sơn) bây giờ đã trở thành đặc sản quá nổi tiếng, chỉ cần chọn giống, áp dụng KHKT để nâng cao giá trị tinh túy lên hơn nữa mà thôi.
Hay như bưởi Đoan Hùng, không có bất kỳ một loại cây nào khác có thể giá trị hơn bưởi trên mảnh đất này. Nên nhớ, thương hiệu bưởi nổi tiếng khắp nơi này ban đầu chỉ là một mô hình khoảng 20 cây đầu dòng, sau đó nhân ra, người dân tự phát triển lên đến hàng ngàn ha.
Con đường đi đến nền sản xuất hàng hóa tập trung đã có lộ trình cụ thể. Theo ông Toàn thì vấn đề còn lại hiện nay là các địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt.
"Tác động KHKT mình đã chỉ ra rồi, để phát triển thành vùng hàng hóa, ứng dụng NNCNC, nâng cao giá trị hàng hóa, người nông dân có thu nhập cao hơn thì nhất định phải giải bài toán sản xuất manh mún. Mỗi một loại cây bản địa phải có một dự án để phát triển nó. Phải đồng bộ từ giống, KHKT, bảo quản cho đến thị trường...", ông Toàn khẳng định.
Cam sành Hàm Yên, loại cây trồng bản địa giá trị kinh tế cao ở miền núi phía Bắc
Thực tế, tại khu vực miền núi phía Bắc, khá nhiều địa phương đã giải xong bài toán này và đang đi đúng. Vùng cam Hàm Yên (Tuyên Quang), Bắc Quang (Hà Giang), Cao Phong (Hòa Bình), na Chi Lăng (Lạng Sơn)... đều đã trở thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, rộng hàng nghìn ha.
Tại vùng cam Hàm Yên, sau quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang, hiện đã xây dựng xong vùng sản xuất hàng hóa với quy mô tập trung, ổn định, tăng giá trị, hiệu quả sử dụng đất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ trồng cam và đáp ứng nhu cầu thị trường. Khoảng 4.881,5 ha với năng suất ước đạt 140 tạ/ha và sản lượng cam năm 2015 là 43.545,6 tấn. Có hơn 600 hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, trong số đó khoảng 50 hộ gia đình có thu nhập hơn 700 triệu đồng.
(Theo: nongnghiep.vn)
Các tin khác :
- Sơn La thực hiện mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị (05/09/2022)
- Hội nghị tổng kết công tác 2020, triển khai phương hướng 2021 (29/12/2020)
- KHẨN: CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 (31/03/2020)
- GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc VAAS thăm và làm việc tại Viện (09/09/2019)
- Đồng chí Bùi Văn Quang, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ làm việc với Viện (01/08/2019)
- Khai giảng lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa 3 (05/01/2019)
- Gặp mặt các thế hệ thầy trò của đơn vị đào tạo cấp cơ sở của Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam (20/11/2018)
- Lễ ký kết hợp tác KHCN với Sở NN và PTNT Lào Cai (27/09/2018)
- Phân tích chuỗi giá trị chè Shan ở Yên Bái và Điện Biên dưới tác động được dự báo của biến đổi khí hậu (03/11/2015)
- Nguyên chủ tịch nước: Trần Đức Lương thăm Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc (06/10/2015)